CÔNG TY LUẬT TNHH T&D

http://luatsukhanhhoa.vn


Giấy phép lao động

Ngày 02/10/2017, Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
giấy phép lao động(1)
Giấy phép lao động
Ngày 02/10/2017, Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành chính thức có hiệu lực pháp luật. Trên cơ sở các căn cứ pháp lý hiện hành, Công ty Luật T&D tổng hợp các quy định và thủ tục cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài qua hệ thống cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn như sau:
Điều kiện cấp giấy phép lao động
  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
  • Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.
  • Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
  • Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.
  • Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.
Quy trình thực hiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài qua hệ thống cổng thông tin điện tử:
Bước 1: Đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động lao động nước ngoài với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố.
Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đến đến cơ quan chấp thuận qua cổng thông tin điện tử.
Trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động gửi báo cáo giải trình thay đổi trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài qua cổng thông tin điện tử.
Hồ sơ gồm có:
  1. Công văn theo mẫu sau đây:
  • Đối với người sử dụng lao động chưa từng đăng ký và nhận được chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài: Công văn đăng ký nhu cầu tuyển dụng soạn thảo theo mẫu 01 Ban hành kèm theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 11/2016/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
  • Đối với người sử dụng lao động đã được chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài mà có thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài: Công văn đăng ký nhu cầu tuyển dụng soạn thảo theo mẫu 02 Ban hành kèm theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 11/2016/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
  1. Giấy giới thiệu/giấy ủy quyền (Đối với trường hợp người nộp hồ sơ không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp).
Nộp hồ sơ tại: hệ thống cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn
Thời gian giải quyết: 12 ngày làm việc
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ cấp giấy phép lao động
Trong quá trình đợi chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố về việc tuyển dụng lao động lao động nước ngoài. Người lao động cần chuẩn bị các hồ sơ như sau:
  1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP theo Mẫu số 7 ban hành kèm theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 11/2016/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
  2. Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ.
Lưu ý: Nếu người nước ngoài khám sức khỏe tại Việt Nam thì cần được khám tại 1 trong cách bệnh viện có tên trong danh sách theo công văn số 143/KCB – PHCN & GĐ ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Cục Khám chữa bệnh – Bộ Y tế ban hành danh sách các cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe có yếu tố nước ngoài theo thông tư số 14/2013/TT-BYT.
  1. Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn hạn của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp.
Lưu ý: phiếu lý lịch tư pháp tính đến thời điểm nộp hồ sơ chưa quá 06 tháng kể từ ngày được cấp hoặc trước ngày hết hạn ghi trên phiếu lý lịch tư pháp.
  1. Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
  • Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành bao gồm:
    • Có văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài;
    • Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
  • Văn bản chứng minh là chuyên gia là một trong các giấy tờ sau:
    • Văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài, bao gồm: tên cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xác nhận; thông tin về chuyên gia: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch và ngành nghề của chuyên gia phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam;
    • Giấy tờ chứng minh theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP. Bao gồm:
      • Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài;
      • Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
    • Văn bản chứng minh là lao động kỹ thuật bao gồm:
      • Giấy tờ chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về việc đã được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác với thời gian ít nhất 01 năm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam;
      • Giấy tờ chứng minh đã có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam.
Lưu ý: Đối với một số nghề, công việc, văn bản chứng minh trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động nước ngoài được thay thế bằng một trong các giấy tờ sau đây:
  • Giấy công nhận là nghệ nhân đối với những ngành nghề truyền thống do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
  • Văn bản chứng minh kinh nghiệm của cầu thủ bóng đá nước ngoài;
  • Bằng lái máy bay vận tải hàng không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với phi công nước ngoài;
  • Giấy phép bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người lao động nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay.
  1. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
  2. Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.
  3. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài
    • Đối với người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp phải có văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng. Các giấy tờ có giá trị chứng minh bao gồm:
      • Văn bản xác nhận của người sử dụng lao động về việc đã tuyển dụng người lao động nước ngoài;
      • Hợp đồng lao động;
      • Quyết định tuyển dụng người lao động nước ngoài;
      • Giấy chứng nhận nộp thuế hoặc bảo hiểm của người lao động nước ngoài.
    • Đối với người lao động nước ngoài thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế phải có hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
    • Đối với người lao động nước ngoài nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng thì phải là người lao động nước ngoài làm việc ít nhất 02 năm (24 tháng) trong một doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam và phải đáp ứng các điều kiện đối với chuyên gia theo quy định.
    • Đối với người lao động nước ngoài chào bán dịch vụ là người lao động nước ngoài không sống tại Việt Nam và không nhận thù lao từ bất cứ nguồn nào tại Việt Nam, tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ để đàm phán tiêu thụ dịch vụ của nhà cung cấp đó, với điều kiện không được bán trực tiếp dịch vụ đó cho công chúng và không trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ. Người nước ngoài phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
    • Đối với người lao động nước ngoài làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam phải có giấy chứng nhận của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
    • Đối với người lao động nước ngoài là người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;
    • Đối với người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật mà tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam thì phải có văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đó.
Lưu ý: Các giấy tờ trên của nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật; dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bước 3: Nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động
Trước ít nhất 7 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử.
  • Số lượng hồ sơ: 01 bộ
  • Nộp hồ sơ tại: hệ thống cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn
  • Thời gian giải quyết: 05 ngày làm việc
Bước 4: Ký kết hợp đồng lao động và báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất của tỉnh
Sau khi người nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì Doanh nghiệp (Người sử dụng lao động) phải thực hiện các thủ tục như sau:
  1. Ký kết hợp đồng lao động với người được cấp giấy phép lao động;
  2. Đóng bảo hiểm y tế cho người lao động nước ngoài. Kể từ ngày 1/01/2018 người lao động nước ngoài nếu đã được cấp giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
  3. Báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài: Hiện tại người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) không phảo thực hiện thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. Thay vào đó, người sử dụng lao động sẽ báo cáo khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bước 5: Cấp thẻ tạm trú theo thời hạn của giấy phép lao động cho người nước ngoài
Sau khi Người lao động nước ngoài được cấp Giấy phép lao động tại Việt Nam, thì việc tiếp theo là xin cấp Thẻ tạm trú theo thời hạn của Giấy phép lao đông. Tại Việt Nam thời hạn của Giấy phép lao động là 02 năm vì vậy thời gian tối đa của thẻ tạm trú cũng là 02 năm theo giấy phép lao động.
Hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú gồm:
  • Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh (thường là người sử dụng lao động)
  • Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh: Mẫu NA8 được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BCA Quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tờ khai này được người đề nghị cấp thể tạm trú ký, ghi rõ họ tên. Cơ quan, tổ chức bảo lãnh đóng dấu giáp lai ảnh và tờ khai và đóng dấu treo ở bên còn lại;
  • Hộ chiếu của người đề nghị cấp thẻ tạm trú;
Giấy phép lao động của người đề nghị cấp thẻ tạm trú.
Dịch vụ tư vấn, thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài của Công ty Luật T&D:
  • Tư vấn các thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài tại Việt Nam (để có thể thực hiện thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp người nước ngoài cần có xác nhận tạm trú tại Việt Nam);
  • Tư vấn hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài theo qui định;
  • Tư vấn thủ tục khám sức khỏe tại Việt Nam để xin giấy phép lao động;
  • Dịch, công chứng dịch, hợp pháp lãnh sự các tài liệu phục vụ cho việc cấp giấy phép lao động;
  • Tư vấn điều kiện để được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam;
  • Hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép lao động tại Việt Nam cho khách hàng;
  • Tư vấn các trường hợp không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động và thực hiện thủ tục cấp xác nhận thuộc trường hợp không phải xin cấp giấy phép lao động;
  • Đại diện doanh nghiệp và người lao động thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Tư vấn, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài sau khi được cấp giấy phép lao động.
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây