Giấy vay tiền viết tay, có khởi kiện đòi nợ được không?
Thứ ba - 08/10/2024 14:49
Giao dịch vay tiền là một trong những giao dịch phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, các bên thường chỉ viết tay cho nhau mà không công chứng hay chứng thực. Và câu hỏi đặt ra là liệu chỉ viết tay có khởi kiện đòi nợ được không?
Giấy vay tiền viết tay, có khởi kiện đòi nợ được không? Giao dịch vay tiền là một trong những giao dịch phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, các bên thường chỉ viết tay cho nhau mà không công chứng hay chứng thực. Và câu hỏi đặt ra là liệu chỉ viết tay có khởi kiện đòi nợ được không?
1. Giấy vay tiền viết tay có hiệu lực không?
Hợp đồng vay tài sản hay giao dịch vay tiền được quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, đây là sự thoả thuận giữa các bên về việc bên cho vay đưa một số tiền nhất định cho bên vay và trong một thời hạn nhất định, bên vay phải trả lại cho bên kia số tiền này cùng với tiền lãi (nếu có).
Đồng thời, Bộ luật Dân sự hoặc các văn bản pháp luật không có quy định về hình thức của hợp đồng vay phải là dạng hợp đồng có công chứng, chứng thực hoặc là hợp đồng hay giấy vay tiền.
Tuy nhiên, đây vẫn là một giao dịch dân sự nên phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nêu tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 như:
- Các bên có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch vay tiền.
- Các bên cho vay và đi vay đều hoàn toàn tự nguyện.
- Mục đích vay cũng như các thoả thuận vay tiền của các bên không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Do đó, nếu giấy vay tiền viết tay có đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì hoàn toàn có hiệu lực. Khi các bên đã ký giấy vay tiền thì bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, bên cho vay cũng phải giao số tiền cho vay cho bên vay...
2. Có khởi kiện đòi nợ bằng giấy vay tiền viết tay không?
Như phân tích ở trên, giấy vay tiền viết tay nếu vẫn đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực nêu trên thì vẫn hợp pháp. Do đó, nếu đến hạn trả nợ mà bên vay không thanh toán nợ gốc và lãi (nếu có) thì bên cho vay hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Toà để đòi nợ.
Theo đó, thủ tục đòi nợ khi cho vay bằng giấy vay tiền viết tay được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
a. Chuẩn bị hồ sơ
- Đơn khởi kiện đòi nợ: Có đầy đủ thông tin của người cho vay, người vay, nội dung khởi kiện, các giấy tờ liên quan đến việc vay nợ...
- Giấy vay tiền viết tay (bản sao).
- Giấy tờ tuỳ thân của người vay (nếu có) và người cho vay - người khởi kiện: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn...
Cách thức nộp hồ sơ: Nộp trực tiếp, gửi qua bưu điện hoặc gửi online qua Cổng thông tin điện tử của Toà án (nếu có).
b. Toà án có thẩm quyền giải quyết
Toà án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú (thường trú + tạm trú), làm việc (theo điểm a khoản 1 Điều 39 và điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự). c. Thời gian giải quyết
Căn cứ quy định từ Điều 191 đến Điều 220 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời gian giải quyết khởi kiện đòi nợ thường kéo dài khoảng 06 - 08 tháng tuỳ vào tính chất của vụ việc.
Cần phải nói thêm rằng, thực tế cho thấy, các vụ án giải quyết tranh chấp đòi nợ bằng giấy viết tay gặp rất nhiều khó khăn bởi khi người vay (bị đơn) cố tình bùng nợ, Toà án sẽ gặp khó khăn trong việc:
- Tìm địa chỉ liên hệ của bị đơn và tống đạt giấy tờ cho bị đơn
- Xác định chứng cứ, giám định chữ viết trong giấy viết tay của bị đơn...
Do đó, trong trường hợp này, việc giải quyết khởi kiện đòi nợ có thể sẽ tốn thời gian hơn so với các vụ án thông thường. d. Phí, lệ phí Toà án
Đây là giao dịch vay nợ nên căn cứ vào khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 326, khởi kiện đòi nợ là vụ án dân sự có giá ngạch. Do người khởi kiện phải đóng tạm ứng án phí trước, vì vậy người khởi kiện có thể tra cứu cụ thể mức phí, án phí khởi kiện đòi nợ.